TỔ QUỐC NƠI ĐẢO XA
SỰ KIỆN GẠC MA – TRƯỜNG SA
LỚP CHA TRƯỚC LỚP CON SAU

“Ba hy sinh vì cái gì, con sẽ sống vì cái đó” Đó là những lời tâm sự đầy xúc động của những đứa con của các chiến sĩ -liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988.
Chị Trần Thị Thủy, con gái của liệt sĩ trung úy Trần Văn Phương – người dù bị đạn bắn xuyên bả vai vẫn quyết giữ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma và để lại câu nói: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo”, rồi cùng đồng đội mình nằm lại lòng biển đảo quê hương.


Chị Trần Thị Thủy bên cạnh mẹ và con trong buổi lễ cầu siêu tưởng niệm anh linh 64 liệt sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma
Chị Thủy tâm sự: “khi nhỏ tôi chỉ biết đến Ba qua những câu chuyện của mẹ, vài lá thư và việc mình được miễn học phí. Lớn lên, tôi mới ý thức được ba mình đã vĩ đại như thế nào và hôm nay nghe người ta đọc to tên Ba, điều ba đã làm trước khi hy sinh, tôi thật sự đã bật khóc và chỉ biết gọi khẽ Ba ơi. Tôi chưa một lần được nhìn thấy ba nhưng luôn giữ trong tim mình niềm tự hào về ông ngay từ khi mình còn nhỏ. Chính điều này đã thôi thúc tôi muốn được trở lại công tác tại đơn vị của Ba và hiện tôi đã đạt được ước mong của mình. Đó là niềm hạnh phúc”.
Cùng chung ước niệm của chị Thủy, hai người con trai của thượng úy - khung trưởng Nguyễn Mậu Phong cũng đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại đảo Gạc Ma. Hai anh em đã nối bước cha.
Anh Nguyễn Mậu Trường nhập ngũ vào lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân và tháng 1 năm 2008 ra nhận nhiệm vụ tại đảo Nam Yết (Trường Sa).
Anh Nguyễn Tiến Xuân  (con trai út của liệt sĩ Mậu Phong) hiện là Thượng úy – Thuyển trưởng tàu 633 thuộc Hải đội 413, thường xuyên công tác tại Trường Sa.


Thượng úy Nguyễn Tiến Xuân, chỉ huy bộ đội tàu 633 thực hiện nghi thức chào cờ
 Xuân tâm sự: “ Mỗi người có một lý tưởng, ước mơ của mình là gắn bó với biển, như Cha ngày trước”.
Xuân kể: “Chuyến đầu tiên về công tác vùng 4, theo tàu ra Trường Sa qua Gạc Ma, em thả xuống biển cho cha cùng đồng đội một bó huệ trắng và khấn: con là Nguyễn Tiến Xuân, hôm nay con đã ra với cha và từ giờ sẽ thường xuyên ra thăm cha. Giờ liên tục ra với quần đảo, nhưng thói quen thả hoa vẫn như lần đầu tiên”.
Mới cưới vợ Xuân đưa vợ ra Trường Sa để thắp hương cho cha. Anh nói:
“30 năm nay cha nằm dưới biển dẫu lâu đến bao nhiêu thì đó cũng là đất đai Tổ quốc mình, phải giữ gìn bảo vệ để các thế hệ sau mãi mãi vẫn phải nhớ mà góp phần giữ gìn”.


Bà Lê Minh Ngọc,PCT HKH Thành phố thắp nhang viếng chiến sĩ đã hy sinh ở đảo Gạc Ma trong chuyến công tác huyện đảo Trường Sa
Và đó là Vũ Xuân Đăng, hiện đang là trung úy quân nhân chuyên nghiệp, thủy thủ tàu 956 thuộc lữ đoàn 125 vùng 2 Hải quân, anh là con trai liệt sĩ – anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ -604 hy sinh ngày 14-3-1988 trên vùng biển Gạc Ma. Xuân Đăng quyết tâm đi theo con đường của cha, anh đang có mặt ở các đảo Trường Sa - nhà giàn DK1 trong nhiệm vụ vận tải, cứu hộ cứu nạn, trực chiến đấu và nhiệm vụ đột xuất, quan trọng khác do quân chủng và lữ đoàn giao phó.


 
          14/3/1988 – 14/3/2018 đã 30 năm qua, sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam bảo vệ Gạc Ma, bảo vệ biển đảo quê hương luôn là nỗi đau và mất mát vẫn hằn sẹo vẹn nguyên trong lòng người ở lại.
                                                                            

Tác giả bài viết: Lê Minh Ngọc Phó CTTT.HKHTP – Phó chủ nhiệm câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”

Các tin khác

Tham khảo thêm

 

(c) Bản quyền 2014 - Bởi Hội khuyến học HCM
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử trên Internet số 14/GP-BC