CHU VĂN AN – NGƯỜI THẦY CỦA MUÔN ĐỜI

Ngày 22 và 23/ 9 năm 2016 nhân dịp về dự Đại hội Đại biểu Hội khuyến học Việt Nam lần thứ 5 tại Thủ đô Hà Nội. Đoàn cán bộ Hội khuyến học thành phố Hồ Chí Minh về thăm nơi an nghỉ của thầy giáo Chu Văn An tại núi Phượng Hoàng thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Khu đền thờ mới được nhân dân Hải Dương xây dựng lại thật khang trang tôn nghiêm, lòng chúng tôi bồi hồi nhớ tới thầy qua dòng lịch sử hào hùng của dân tộc.
          Chu Văn An hiệu Tiểu Ẩn, tự là Linh Triệt, người làng Văn, xã Quang Liệt, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông chào đời ngày 25 tháng 8 năm Nhâm Thìn  (1292). Vốn tư chất thông minh, được giáo dục một cách nề nếp, lại có nghị lực lớn, chuyên cần học tập, nghiêm khắc sửa mình, không màng danh lợi, Chu Văn An sớm trở thành trí thức có uy tín lớn, nổi tiếng cương trực, tiết tháo, thanh cao, học vấn uyên bác. Chu Văn An đỗ tiến sĩ từ năm 12 tuổi ( 1304), đồng khoa với lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đỉnh Chi       ( Nam Sách, Hải Dương). Học giỏi đỗ cao nhưng Ông không làm quan mà mở trường dậy học tại quê nhà. Thầy đã soạn bộ “ Tử thư thuyết ước” gồm 10 quyển để phục vụ việc dậy học, với tinh thần sáng tạo tới mức “ Công lý chỉnh tâm”. Do tài cao đức trọng và uy tín lừng lẫy của thầy, nên học trò xa gần kéo đến học rất đông. Năm Giáp Dần (1314) vua Trần Minh Tông vừa lên ngôi đã mời thầy về kinh nhận chức Quốc Tử Giám Tư nghiệp.  
         Đến đời vua Trần Dụ Tông, vua quan ham thích chơi bời, trễ nải việc quốc gia, lắm kẻ vi phạm kỷ cương phép nước. Sau nhiều lần thẳng thắn can gián, khuyên vua sửa trị nhưng Dụ Tông không nghe, Thầy bèn dâng “ Thất trảm sớ”, đòi chém 7 tên nịnh thần, Vua không chấp nhận, Thầy khảng khái trả mũ áo từ quan về núi Phượng Hoàng dựng nhà dậy học, làm thuốc cứu người.
        Cảnh trí núi rừng Chí Linh huyền ảo nên thơ là nguồn thi hứng dạt dào của thi nhân trong 2 tập thơ nổi tiếng “ Tiểu Ẩn thi tập” và “ Tiểu Ẩn quốc ngữ thi tập”. Tuy “lánh đục về trong”, tìm niềm vui trong thú lâm tuyền, trong sáng tạo thi ca và dậy trẻ, nhưng lòng Thầy vẫn canh cánh lo việc nước, thương đời. Năm 1369 Dương Nhật Lễ cầm đầu làm loạn thầy vô cùng đau xót, khi Dương Nhật Lễ bị chém đầu, triều Trần Trung hưng, vua Trần Nghệ Tông lên ngôi ( 1370), Thầy vui mừng, dù tuổi cao sức yếu vẫn chống gậy về kinh bái yết Vua, Vua Ban chức trọng, bổng lộc Thầy đều khước từ. Sau lễ bái yết trở về Thầy mất vào ngày 26/01/ Giáp Tuất ( 1370) tại núi Phượng Hoàng.
        Ghi nhận công đức của Thầy, Vua cho quan triều đình về tế và đặt tên thụy cho Thầy là    “ Văn Trinh Công” sắc phong là “ Thượng đẳng thần” và cho phối thờ tại văn miếu. Ban tiền làm đền thờ tại 27 địa phương có môn sinh của Thầy.
 Chu Văn An – “ Người thầy của muôn đời”, trọn đời nêu tấm gương sáng chói đến muôn đời về đức độ,  thanh cao, khí tiết lẫm liệt của bậc chính nhân quân tử, về nhân cách và trách nhiệm cao cả của người thầy, người trí thức chân chính trước thời cuộc. Thật là:
 
Tự tại chuyên tâm giữ đạo đời
Gieo mầm giác ngộ mãi không ngơi
Khai truyền dẫn giải duy chân lý
Gương trong tỏa sáng đến muôn đời.
 
         Đoàn cán bộ khuyến học kính cẩn dâng tâm hương tưởng nhớ “Người thầy của muôn đời”.  
                                                          
 
                                                                                                         

Tác giả bài viết: Từ Văn Chiến
 

(c) Bản quyền 2014 - Bởi Hội khuyến học HCM
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử trên Internet số 14/GP-BC