Dân tộc ta có truyền thống hiếu học. Các hoạt động khuyến học, khuyến tài luôn được Đảng, Nhà nước cũng như toàn dân chú trọng để phát huy truyền thống này. Phong trào khuyến học, khuyến tài đang được nhân rộng, lan tỏa đến từng dòng họ, nhất là trong những dịp tết đến xuân về hay vào dịp giỗ họ hàng năm.
Theo GS-TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, hiện nay, tại 63 tỉnh, thành phố đều có hội khuyến học, chi hội khuyến học và đã có mặt ở cả các vùng xa xôi, hẻo lánh. Gần 99% số xã đã có trung tâm học tập cộng đồng. Quỹ khuyến học đã cấp học bổng cho hàng triệu trẻ em nghèo, hàng chục vạn học sinh, sinh viên giỏi; hỗ trợ hàng ngàn giáo viên có hoàn cảnh khó khăn để yên tâm bám lớp, bám trường. Đến nay, Quỹ Khuyến học, khuyến tài có 3.357 tỷ đồng, bình quân 37.075 đồng/người dân. Hết năm 2017, số hội viên khuyến học cả nước hiện có 16,7 triệu người, chiếm 18,44% dân số. Ngày càng có nhiều mạnh thường quân chung tay phát triển quỹ khuyến học.
Những con số đó cho thấy phong trào khuyến học, khuyến tài đang được đẩy mạnh. Giải thưởng Nhân tài đất Việt do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học quan tâm. Những nhân tài, người có công trình khoa học có giá trị thực tiễn đã tác động lớn đến đời sống xã hội.
Chính phủ đã có Đề án 281 về đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Tới đây, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ đề xuất Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quan tâm đến việc đưa tiêu chí gia đình học tập vào tiêu chí xét gia đình văn hóa. Mục tiêu là để mỗi gia đình cùng thi đua học tập, thi đua lao động, sản xuất nhằm hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, để tạo được sức lan tỏa, thấm sâu phong trào học tập từ mỗi gia đình, dòng họ, khu dân cư
Tuy nhiên, cùng với các chính sách khuyến học, khuyến tài, những cuộc vinh danh, theo các chuyên gia, cần có giải pháp để nâng trình độ học vấn tại các vùng xa xôi, hẻo lánh, để người tài ở mọi nơi, mọi lúc đều được phát hiện, trọng dụng. GS Phạm Thị Trân Châu, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn khoa học - giáo dục và môi trường (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), cho rằng cần phải có thêm chế độ, chính sách phát triển, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài, đưa nghị quyết, đề án ở cấp Trung ương đi vào thực tiễn cuộc sống. Hiện nay, đầu tư cho giáo dục, khoa học - công nghệ vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp, dẫn đến chưa kịp thời khuyến khích phát triển tài năng.
Theo GS-TS Nguyễn Lân Dũng, câu chuyện Bộ GD-ĐT trình đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ ở nước ngoài với kinh phí 12.000 tỷ đồng vốn gây bức xúc trong xã hội vừa qua thực ra có nhiều điểm tốt vì khoa học nước ta còn hạn chế. Đó cũng là một sách khuyến tài cụ thể. Tuy nhiên, để chính sách khuyến tài đó hiệu quả, phải gắn với cam kết, điều kiện sau khi đào tạo xong thì tiến sĩ phải về phục vụ nước nhà. Đào tạo tiến sĩ không cần nhiều nhưng đã đào tạo thì phải chất lượng để có những nhà khoa học đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Nhìn rộng hơn, chính sách khuyến học, khuyến tài cần được thực hiện một cách đồng bộ và không chỉ là dừng ở chính sách học bổng, những giải thưởng bằng tiền bạc, hiện vật hay các cuộc vinh danh. Phải là tổng thể các giải pháp, chính sách để tạo điều kiện tốt nhất cho việc học có chất lượng đối với toàn xã hội, cho người tài có đất để phát huy.