Thế kỷ 21 được đánh dấu bởi sự phát triển của quá trình toàn cầu hóa và thay đổi không ngừng đối với tất cả các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị…Chính bởi vậy, để có thể phát triển và thích ứng nhanh với sự thay đổi trong xã hội toàn cầu hóa, mỗi công dân phải thể hiện được khả năng học tập suốt đời. Bên cạnh đó, các thành phố cũng phải đáp ứng được các thách thức mới trong thế giới luôn thay đổi một cách nhanh chóng.
Việc xây dựng thành phố học tập là việc làm cần thiết đối với mỗi quốc gia trên thế giới nói chung và thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam nói riêng bởi đây là điều kiện quan trọng để đảm bảo cho các quốc gia hay thành phố sự phát triển bền vững trước sự biến đổi nhanh chóng về văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội.
Nghị quyết Đại hội lần thứ X Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh tại nội dung đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo đã nêu “Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng hiện đại, đáp ứng chuẩn giáo dục khu vực và quốc tế; phát huy tốt nhất năng lực sáng tạo của người học, coi trọng thực hành, thực tế; chú trọng giáo dục lối sống, nhân cách, đạo đức, lý tưởng và truyền thống cách mạng, ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành một thành phố học tập, một trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế”.
Thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 8/4/2016 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng TPHCM thành thành phố học tập, Ủy ban nhân dân thành phố đã có văn bản số 2012/UBND-VX ngày 07 tháng 5 năm 2016 chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện cho Hội Khuyến học TP triển khai thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành thành phố học tập”.
Năm 2007-2010, thực hiện chỉ thị 11/TW-CT của Bộ Chính trị ngày 13-04- 2007 về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Khuyến học, khuyến tài, xây dựng Xã hội học tập”; Ban Thường vụ Thành ủy giao nhiệm vụ cho Hội khuyến học theo chức năng nhiệm vụ của mình, chủ trì nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình Xã hội học tập ở thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn hội nhập”. Đề tài được Hội đồng Khoa học thành phố HCM nghiệm thu và xếp loại xuất sắc vào tháng 8/2010. Ngay sau được nghiệm thu, Thường vụ Thành Ủy chỉ đạo triển khai áp dụng. Từ năm 2011 đến nay, các mô hình là kết quả của công trình nghiên cứu như:“Đảng Ủy Phường, Xã 4 có”; Hội Khuyến học Phường, Xã 6 có”; Gia đình hiếu học; Chương trình học bổng 1&1; Chương trình “tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học”; Câu lạc bộ khuyến tài….; đã được các cấp Ủy Đảng; Hội khuyến học cơ sở Phường/xã; khu phố/ấp; tổ dân phố/tổ nhân dân triển khai thực hiện ngày càng có hiệu quả với nhiều điển hình được nhân ra trong toàn thành phố và các tỉnh trong cả nước.
Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu Thành phố học tập ở thành phố HCM, Hội khuyến học (HKH) thành phố có được thuận lợi cơ bản là tiếp tục kế thừa nhiệm vụ của đề tài nghiên cứu nêu trên.
HKH thành phố là đơn vị chủ trì, chủ nhiệm là Chủ tịch HKH (Th.S Nguyễn Huy Cận) và Cố vấn khoa học (TS. Hồ Thiệu Hùng) của đề tài nghiên cứu đã huy động được 5 Tiến sỹ, 2 Thạc sỹ có kinh nghiệm về lãnh vực nghiên cứu vào Ban nghiên cứu (BNC) của đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình Thành phố học tập tại thành phố Hồ Chí Minh”.
Ngày 31-10-2016, phiên họp đầu tiên của BNC đã xác định được các nhiệm vụ cơ bản và dự kiến được tổ chức nghiên cứu trong 2 năm. Tháng 11/2016, HKH thành phố làm thủ tục đăng ký nội dung nhiệm vụ nghiên cứu và ngày 20 tháng 01 năm 2017, Sở Khoa học & Công nghệ đã có thông báo nhiệm vụ nghiên cứu của HKH thành phố được tuyển chọn và sẽ được xét duyệt nội dung nghiên cứu vào quý 1 năm 2017.