Công tác Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2009 - 2014

Hoạt động xây dựng tổ chức hội khuyến học các cấp, phát triển hội viên và phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố trong 5 năm (2009 – 2014), ngày càng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu; phát triển cả về số lượng và chất lượng; thu hút được đông đảo bà con trên địa bàn dân cư tham gia; phát huy được truyền thống hiếu học và tương thân, tương ái của người dân thành phố; đóng góp quan trọng trong thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục các cấp; đóng góp thiết thực vào công cuộc đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Sự phát triển của phong trào xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học; khu dân cư và cộng đồng khuyến học góp phần đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong nhân dân và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố.
      Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (năm 2001) đã chủ trương “Đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân, bằng những hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước trở thành xã hội học tập”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (năm 2006) tiếp tục nhấn mạnh: “Bảo đảm công bằng về cơ hội học tập cho mọi người, tạo điều kiện để toàn xã hội học tập và học tập suốt đời”; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời”. Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 24-8-1999 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Khuyến học Việt Nam và Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13-4-2007 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
      Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong thời đại ngày nay, Thành ủy đã tập trung chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 30-11-2007 thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW và luôn tạo điều kiện cho Hội Khuyến học thành phố, Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố và các ngành chức năng liên quan triển khai các phong trào, do vậy công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố trong những năm qua đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thiết thực.
Tổ chức Hội Khuyến học được xây dựng và củng cố thường xuyên ở cấp phường, xã, thị trấn, khu phố, ấp, cơ quan, trường học; chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức hội ngày càng được nâng cao. Đến nay, đã tổ chức được 24 hội khuyến học cấp quận huyện; 319 hội khuyến học cấp phường, xã, thị trấn; 4130 chi hội (chi hội khu phố, ấp: 2.041; chi hội trường học: 1.284; chi hội cơ quan: 574; chi hội khác: 231) và 20.856 tổ hội. Quan tâm phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên ở nhiều khu vực như khu dân cư, cơ quan, trường học, doanh nghiệp. Tính đến ngày 30-11-2014, tổng số hội viên toàn thành phố là 741.455, chiếm 9,75% dân số và 12,17% tổng số dân trên 18 tuổi.
Vận động xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học phát triển cả về số lượng và chất lượng, là những nhân tố nòng cốt tạo thành môi trường nuôi dưỡng khuyến khích nhu cầu, thói quen học tập suốt đời trong gia đình, xã hội; góp phần tích cực xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố. Hiện có 473.505 gia đình đăng ký gia đình hiếu học (đạt 21% tổng số hộ dân) và có 376.431 gia đình được công nhận đạt chuẩn gia đình hiếu học (chiếm 79,4% tổng số gia đình đăng ký); có 70 dòng họ hiếu học được công nhận đạt chuẩn dòng họ hiếu học (chiếm 64,8% số dòng họ đăng ký ); có 452 khu dân cư khuyến học đạt chuẩn khu dân cư khuyến học, có 97 cộng đồng đạt chuẩn cộng đồng khuyến học, 520 đơnvị đạt chuẩn đơn vị khuyến học.

      Phong trào xây dựng quỹ khuyến học gia đình ngày càng được hội viên và bà con trên địa bàn dân cư hưởng ứng với nhiều hình thức phong phú, sinh động (mở sổ tiết kiệm, đi bộ gây quỹ, tổ chức đêm văn nghệ, thu nhặt ve chai…, mà hình thức chính là tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học); phát triển thành phong trào thường xuyên đạt kết quả thiết thực. Phong trào được triển khai hơn 6 năm qua nhằm thực hiện lời dạy của Bác Hồ, nêu cao tinh thần tiết kiệm, hết lòng chăm lo việc học tập của thế hệ trẻ; phong trào vừa có ý nghĩa giáo dục ý thức tiết kiệm, chăm lo cho việc học của con em mà còn tạo được nguồn kinh phí đáng kể bổ sung vào quỹ học bổng khuyến học, khuyến tài các phường, xã, thị trấn và khu phố, ấp. Trong giai đoạn 2009 – 2014, quỹ khuyến học gia đình toàn thành phố đạt hơn 769 tỉ đồng. Trong đó, tổng số tiền tiết kiệm từ nuôi heo đất khuyến học là gần 368 tỉ đồng.
 

        Hội khuyến học các cấp đã vận động được nhiều tổ chức và cá nhân tâm huyết với sự nghiệp trồng người, đồng cảm và chia sẻ với những học sinh, sinh viên hiếu học có hoàn cảnh khó khăn, đã đồng hành và đóng góp tích cực vào các quỹ học bổng khuyến học, khuyến tài của thành phố, quận huyện, phường xã thị trấn. Hàng năm, vào đầu năm học, các cấp hội tổ chức trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học và học sinh, sinh viên giỏi, tài năng. Trong 6 năm qua, các cấp hội đã trao 168.692 suất học bổng, với số tiền hơn 157 tỉ đồng.
         Riêng học bổng khuyến tài (học bổng 1&1) của Quỹ Khuyến học thuộc Hội Khuyến học thành phố được triển khai 15 năm, là hình thức vận động các tổ chức và cá nhân có lòng hảo tâm nhận trao học bổng cho một hoặc nhiều sinh viên học lực khá giỏi, suốt bậc đại học. Các sinh viên được nhận học bổng 1&1 được tham gia Câu lạc bộ Khuyến tài, qua đó được bồi dưỡng phẩm chất chính trị đạo đức, rèn luyện kỹ năng. Trong 15 năm từ 2000 – 2014 đã có 2.075 sinh viên nhận học bổng 1&1 với tổng số tiền 15,8 tỉ đồng. Đã có 1.056 sinh viên được nhận học bổng khuyến tài tốt nghiệp đại học.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Hội Khuyến học thành phố đồng chí Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, đã phát biểu: “Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá cao và trân trọng những kết quả đạt được của Hội Khuyến học thành phố năm 2014 trên các mặt công tác tuyên truyền vận động, các hoạt động phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng đa dạng và mang lại hiệu quả rất tích cực, được xã hội đồng tình cao, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thành phố”. Để đạt được những kết quả quan trọng nêu trên, là do hội khuyến học các cấp đã chủ động tham mưu cấp ủy - chính quyền các cấp và làm nòng cốt trong liên kết phối hợp với các ngành, các đoàn thể chính trị xã hội, nhất là phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo trong tổ chức thực hiện các phong trào. Nhưng nguyên nhân có ý nghĩa quyết định để đạt được những thành tựu nêu trên là do sự lãnh đạo sâu sát, chặt chẽ của cấp ủy và UBND các cấp, mà trước hết là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố.
            Thành ủy đã chỉ đạo triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 11-CT/TW; qua đó, quán triệt ý nghĩa, mục đích, xác định trách nhiệm của cấp ủy, UBND các cấp đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố; chỉ đạo sơ kết 4 năm thực hiện Chương trình hành động số 27-CTr/TU của Thành ủy. Thành ủy giao cho UBND thành phố chỉ đạo việc bố trí cán bộ và chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác khuyến học các cấp; quy định nền nếp làm việc của cấp ủy các cấp với hội khuyến học các cấp (cấp thành phố: 1 lần/năm; cấp quận huyện: 2 lần/năm; cấp phường xã thị trấn: 4 lần/năm). Thực hiện quy định, hàng năm Thường trực Thành ủy bố trí làm việc với lãnh đạo Hội Khuyến học thành phố kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc; sau các cuộc làm việc, Văn phòng Thành ủy có văn bản thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy đến Hội Khuyến học thành phố, cấp ủy 24 quận huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan làm căn cứ triển khai thực hiện nhiệm vụ trong năm.
Thành ủy đã có chủ trương và giao cho Hội Khuyến học thành phố chủ trì nghiên cứu đề tài khoa học “Xây dựng mô hình xã hội học tập ở TP.HCM giai đoạn hội nhập”. Sau khi đề tài được Hội đồng Nghiên cứu khoa học cấp thành phố nghiệm thu với kết quả xuất sắc, Thường trực Thành ủy tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đề tài. Có thể nói đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng xã hội học tập ở TP.HCM giai đoạn hội nhập” được triển khai thực hiện nghiêm túc, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW và kế hoạch xây dựng xã hội học tập trên địa bàn TP.HCM của UBND thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng; với những mô hình “Đảng ủy 4 có”, “Hội khuyến học 6 có”, “ gia đình hiếu học”, “ tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học”… đã nhanh chóng bén rễ trong đời sống của nhân dân thành phố.
Những hoạt động trọng tâm trong thời gian tới gồm: Tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 11-CT/ TW; Chương trình hành động số 27-CTr/ Tu về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Quyết định 5070 /QĐ/UBND của UBND thành phố về đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng giai đoạn 2015 – 2020. Hoàn thành thí điểm và nhân rộng mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở; tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức hội khuyến học các cấp; củng cố tổ chức hội khuyến học phường xã và quận, huyện; phát triển tổ chức hội cơ quan, doanh nghiệp, trường đại học; tăng cường phát triển và quản lý hội viên; liên kết phối hợp cùng các lực lượng xã hội, phát huy tiềm năng của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để tham gia xây dựng xã hội học tập, phát triển các hình thức xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài nhằm tạo nguồn lực mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu quy mô hoạt động ngày càng tăng.
            UBND thành phố đã sớm triển khai Kế hoạch “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” trên địa bàn TP.HCM; thành lập Ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập các cấp; ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”; tạo điều kiện kinh phí cho Sở Giáo dục - Đào tạo, Hội Khuyến học thành phố và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện nhiệm vụ; chỉ đạo Hội đồng Thi đua thành phố và UBND các quận huyện đưa nội dung công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vào tiêu chí đánh giá thi đua chung của chính quyền các cấp…
           Cấp ủy – UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn quan tâm công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở địa phương; có nghị quyết, kế hoạch lãnh chỉ đạo và tạo điều kiện cho hội khuyến học các cấp thực hiện hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều cấp ủy quan tâm chỉ đạo và gương mẫu thực hiện Mô hình “Đảng ủy 4 có”, “Xây dựng gia đình hiếu học”, “Tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học”; phát huy vai trò đảng viên trong phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
           Công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong 5 năm qua tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, đồng thời rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý, nhưng cũng còn nhiều khó khăn và hạn chế. Để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đến năm 2020, không những đòi hỏi sự phấn đấu tích cực của cả hệ thống chính trị, vai trò tham mưu của ngành giáo dục - đào tạo thành phố và hội khuyến học các cấp, mà đặc biệt cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy - UBND các cấp theo tinh thần Chỉ thị số 11-CT/TW để góp phần “Nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới”.
 
Lê Minh Ngọc – Nguyễn Thị Lan

 

(c) Bản quyền 2014 - Bởi Hội khuyến học HCM
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử trên Internet số 14/GP-BC