Hạt giống xã hội học tập đã bén rễ tại Thành phố mang tên Bác

Cuộc vận động khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT) là phong trào được phát động bằng một quyết tâm chính trị của Bộ Chính trị thể hiện trong Chỉ thị 11 ra đời ngày 13/4/2007. Đây là hạt giống nhỏ bé đầu tiên được gieo xuống trên mảnh đất không ít sỏi đá của những thành kiến sai lầm về việc học như: học là chỉ dành cho lứa trẻ mà thôi; chừng nào hết nghèo thì mới cho con đi học; học phải theo trường lớp, có cấp bằng mới là học; học có đủ bằng cấp rồi thì khỏi phải học nữa; không hành nghề giáo dục thì không có trách nhiệm lo cho người khác học…
            Chỉ sau hơn 7 năm từ 2007 đến nay mà  xây dựng XHHT đã từ chỗ là khái niệm học thuật lạ lẫm, khô khan với tuyệt đại đa đồng bào thành phố nay đã trở thành khá quen thuộc, hơn thế còn trở thành nội dung hoạt động tự nguyện tự giác và thường xuyên ở rất nhiều gia đình, khu dân cư thuộc tất cả các quận huyện trong thành phố, thu hút hàng chục vạn gia đình tham gia. Cuộc vận động này đã góp phần đem lại những đổi thay gì cho thành phố? Ta hãy cùng nhau tìm câu trả lời nhằm rút ra bài học để tiếp tục tiến nhanh hơn trên con đường vạn dặm xây dựng XHHT.
           Thay đổi quan trọng nhất là nhận thức mới về sự học mà trước hết là nhận thức mới về con đường đổi đời. Trong tâm lý xã hội, lối suy nghĩ  tìm cách đổi đời nhờ trúng số, nhờ cá độ, nhờ kết thân với ngoại kiều, nhờ bài bạc, nhờ làm ăn phi pháp… đã trở nên hoàn toàn kém thuyết phục trước một cách nghĩ mới, khác hẳn về bản chất, phù hợp với thời đại kinh tế tri thức. Đó là phải học mới thoát được nghèo, rằng đổi đời căn cơ nhất chỉ có thể là bằng con đường học tập. Ngày nay tốt nghiệp đại học, đạt trình độ trên đại học, du học nước ngoài  đâu chỉ có con em các gia đình trí thức hay khá giả mà có cả con các gia đình bình dân, thậm chí gia đình anh xe ôm, chị quét rác hay gia đình nông dân nghèo nhiều đời thất học. Trên thành phố chúng ta có đông và ngày một đông hơn các bậc cha mẹ nghèo cả tiền lẫn chữ nghĩa đã cần cù một nắng hai sương hy sinh tất cả vì con để rồi có ngày được sung sướng nhìn thấy các con nay đều tốt nghiệp đại học, có người còn du học thành tiến sĩ, đủ tự nuôi sống mình và gia đình. Nếu hiếu học thì “con sãi ở chùa” hoàn toàn có thể tránh được phận đời đời quét lá đa, điều này đã trở thành thực tiễn thuyết phục của đời sống thành phố.
 


TS. Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tại Hội thảo: 40 năm phát triển và hội nhập
 
             Nhận thức về  trách nhiệm học tập của người lớn cũng đang chuyển biến dần từ quan niệm đến trường là việc của riêng lớp trẻ sang quan niệm người lớn tuổi cũng phải học theo cách thích hợp, vừa lợi cho mình vừa làm gương cho lớp trẻ. Một thói quen mới và lành mạnh đã hình thành, đặc biệt trong giới công chức, viên chức trẻ, đó là dành thời gian đến  lớp học buổi tối, lớp học cuối tuần để nâng cao trình độ. Ở lớp người  trưởng thành đã bớt đi thói quen dùng thời gian rảnh rỗi chỉ để giải trí, nhiều khi là bằng rượu mà thay vào đó là ngồi học. Xóa bỏ định kiến già học không vô, nhiều người cao tuổi  đeo bám các lớp tin học để rồi cũng biết dùng thư điện tử, săn tin tức hay hàng hóa qua mạng. Nhiều người dù  đã thành ông bà nội ngoại vẫn dự thi đại học cùng học sinh phổ thông, sau đó tự tin vào học đại học chính quy. Hàng ngàn người đã dám bỏ cả vài triệu đồng mua  một tấm vé, không  phải là vé để xem thi sắc đẹp, biểu diễn văn nghệ hay thi đấu thể thao mà  để dự các buổi thuyết trình do diễn giả nước ngoài  trình bày về đề tài mình quan tâm, mình cần học. Hàng chục ngàn người đã quá tuổi lao động  đang tham gia các câu lạc bộ thích hợp với tuổi tác, giới tính và hứng thú riêng để học và thực hành những lối sống có lợi cho sức khỏe và cho gia đình. Rất nhiều người có ý thức thu thập, ghi chép các kiến thức bổ ích khi đọc báo, nghe đài, đọc sách… để áp dụng nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình. Cuộc vận động “học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  được bổ sung thêm một nội dung rất thiết thực để động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân làm theo, đó là noi theo gương ham học, học suốt đời, học mọi nơi mọi lúc, lấy tự học làm cốt của Bác. Nhận thức về trách nhiệm khuyến học khuyến tài có sự thay đổi lớn. Cuộc vận động xây dựng XHHT đã trở thành một nội dung hoạt động quan trọng bậc nhất của Hội Khuyến học thành phố - lá cờ đầu của phong trào Khuyến học cả nước. Lo cho công tác giáo dục không còn được xem là trách nhiệm riêng của ngành giáo dục và các nhà giáo. Ngày nay không chỉ cha mẹ nhận thấy trách nhiệm phải lo cho con cái mình học mà người thành phố đã thấy trách nhiệm của mình đối với trẻ em, học sinh sinh viên nghèo trên địa bàn. Phong trào khuyến học khuyến tài không chỉ nhận được những cọc tiền thẳng thớm từ những Mạnh thường quân là những người giàu có mà có cả những đồng tiền nhàu nát đẫm mồ hôi của người lao động nghèo. Người không có tiền thì góp sức đi vận động xây dựng quỹ học bổng cho học sinh sinh viên nghèo, vận động phần thưởng cho học sinh nghèo học giỏi, vận động người cao tuổi tham gia các câu lạc bộ phù hợp để sống vui, sống khỏe. Người có hiểu biết và kỹ năng thì đến chia sẻ tại Trung tâm học tập cộng đồng. Nguồn nội lực còn tiềm tàng trong  nhân dân đang được phát huy bằng các hình thức khác nhau, tạo cơ hội cho người người, nhà nhà cùng các tổ chức kinh tế, văn hóa, xã hội trong và ngoài nước làm nghĩa vụ xã hội với giáo dục một cách tự giác, tự nguyện. Cuộc vận động xây dựng XHHT đã tạo cơ hội cho các phương tiện truyền thông và thông tin đại chúng phát huy ảnh hưởng tích cực như: vinh danh những tấm gương người hiếu học; đưa các thông tin khoa học bổ ích đến đông đảo công chúng, giúp người hiếu học chọn được nội dung, chương trình, hình thức  phù hợp với yêu cầu, sở thích, hoàn cảnh của mình mà học, kể cả học tại nhà qua mạng… Nó còn tạo thêm cơ hội cho những người cao tuổi có tính tích cực công dân cao phát huy lối sống vừa có ích cho xã hội, vừa có lợi cho tuổi thọ.
           Bằng cuộc vận động xây dựng XHHT, lần đầu tiên thành phố chúng ta đã gieo đại trà một suy nghĩ  mới  rất tích cực về sự học vào nhận thức của người lao động, nhất là người lớn tuổi. Hàng ngày hàng giờ, suy nghĩ tiến bộ ấy đang âm thầm tác động lên  thành phố chúng ta, góp phần thay đổi số phận của hàng triệu người dân theo đúng quy luật “gieo suy nghĩ – gặt hành động, gieo hành động – gặt thói quen, gieo thói quen – gặt tính cách, gieo tính cách – gặt số phận”. Sự đổi thay sâu sắc này trong ý thức xã hội của thành phố có thể được nhìn nhận là một thành tựu đáng tự hào của thành phố Hồ Chí Minh. Không hoành tráng cũng chẳng đòi hỏi vốn đầu tư khổng lồ  như các khu đô thị mới văn minh, khu công nghiệp hiện đại hay đường cao tốc thênh thang, công trình “phi vật thể” này nằm âm thầm trong ý thức người dân nhưng không hề thua kém các công trình kia về giá trị sử dụng, lại khó bị xuống cấp và sẽ còn phát huy tác dụng rất dài lâu lên mọi mặt của đời sống xã hội.
            Một nét văn hóa đẹp của  thành phố đã hình thành. Cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học rồi sau đó là xây dựng dòng họ hiếu học, khu dân cư khuyến học đã lan tỏa từ thành viên này đến thành viên khác trong gia đình, từ gia đình này sang gia đình khác, từ tổ dân phố ra khu dân cư. Cuộc vận động này đã  góp phần củng cố giềng mối gia đình và dòng họ, mối quan hệ láng giềng trong khu dân cư, trở thành một nét văn hóa đặc sắc đáng trân trọng của thành phố, cộng hưởng cùng các phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Từ cái nôi là thành phố Hồ Chí Minh, phong trào gia đình hiếu học đã lan tỏa trong cả nước, thành nét văn hóa chung đáng trân trọng của người Việt Nam.
Cuộc vận động xây dựng XHHT đã thiết thực phục vụ cho công cuộc xóa đói giảm nghèo. Trong hàng chục ngàn đối tượng được khuyến khích động viên đi học, được tài trợ, được hưởng lợi trực tiếp hay gián tiếp từ cuộc vận động xây dựng XHHT  và phong trào khuyến học khuyến tài, đã có rất đông người nay đã bước vào đời, có nghề nghiệp, có việc làm ổn định và có thu nhập, trở thành tấm gương sống để thuyết phục người khác noi theo. Đông người lao động nhờ tiếp thu thêm kiến thức và kỹ năng cần thiết tại các Trung tâm học tập cộng đồng, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm dạy nghề mà tìm được việc làm, nâng cao tay nghề và thu nhập, thoát được nghèo. Hàng trăm ngàn người lao động các địa phương đến thành phố Hồ Chí Minh tìm việc làm và được học theo phương thức học tập chính quy, bán chính quy và phi chính quy sẽ không bao giờ quên nơi đã tiếp thêm sức cho đôi cánh  trình độ văn hóa và tay nghề của mình nhờ đó mà họ có thể tự nuôi sống và giúp đỡ gia đình ở quê.­­­­­­­­­
­­­­­­Có thể rút ra nhiều bài học bổ ích từ cuộc vận động xây dựng xã hội học tập tại thành phố Hồ Chí Minh như bài học về vai trò của cấp ủy trong việc đưa nghị quyết Đảng vào cuộc sống, bài học về xây dựng và phát triển  lực lượng nòng cốt là hội Khuyến học, bài học về công tác tham mưu cho cấp ủy, về lồng ghép nội dung các cuộc vận động... Nhưng để tránh nhắc lại những bài học quá phổ biến  từng được đúc kết lâu nay nên  bài viết này  chỉ tập trung phân tích về  nét đặc biệt trong công tác chỉ đạo của Thành ủy khi triển khai chỉ thi 11. Đó là đưa hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ thiết thực và kịp thời cho công tác lãnh đạo của Thành ủy.
Tính đến  14/3/2013 trong hệ thống các văn bản của Thành ủy chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ khuyến học khuyến tài, xây dựng XHHT[i], có tất cả 5 văn bản, trong đó thật không ngờ là có đến 3 văn bản liên quan đến nghiên cứu khoa học. Văn bản chỉ đạo đầu tiên của Thành ủy về nhiêm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập  không phải là Chương trình hành động 27 ban hành ngày 30/11/2007 mà là công văn số 672 của Văn phòng Thành ủy ra trước đó đến 8 tháng. Trong công văn này Thành ủy giao hội Khuyến học thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “xây dựng XHHT của thành phố”. Nhờ vậy hội Khuyến học thành phố đã có điều kiện tốt thực hiện đề tài trên và sau khi đề tài được nghiệm thu ở mức xuất sắc vào tháng 8/2010 còn nhận được thêm kinh phí để triển khai giai đoạn hậu đề tài. Sau đó Thành ủy còn ra tiếp Thông báo 191 ngày 15/8/2011 về Kết luận của đồng chí Nguyễn Văn Đua, phó Bí thư thường trực Thành ủy, về kết quả nghiên cứu đề tài xây dựng mô hình XHHT thành phố HCM giai đoạn hội nhập và sau đó một tháng lại có tiếp công văn số 188 yêu cầu triển khai thực hiện Đề tài  trên gắn với việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 11. Ba trong số năm văn bản, một con số thật ấn tượng.
            Việc Thành ủy đã rất coi trọng công tác nghiên cứu khoa học và tận dụng tối đa kết quả nghiên cứu khoa học nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị nêu trong Chỉ thị 11 là một mũi tên bắn trúng  hai cái đích: thứ nhất là giúp biến khái niệm lý luận khô khan là xây dựng XHHT vốn xa lạ với người dân thành phố thành nội dung dễ hiểu, dễ nhớ là làm cho “ai cũng học suốt đời và ai cũng lo cho người khác học”; thứ hai là đã khiến thành quả của đề tài khoa học đã nhanh chóng bắt rễ vào đời thường, đó là các mô hình được đúc kết từ thực tiễn như gia đình hiếu học, nuôi heo đất khuyến học, 1+1... cùng các mô hình được xây dựng bằng lý thuyết như chi ủy 4 có,  hội Khuyến học 6 có…. Tận dụng đội ngũ làm khoa học và nhanh chóng áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học làm chất xúc tác để thực hiện  nhiệm vụ chính trị của thành phố, đây phải chăng là một kinh nghiệm tốt nên được áp dụng thường xuyên hơn nữa  trong công tác lãnh đạo một thành phố có tiềm lực khoa học không nhỏ như thành phố chúng ta?
 Nhân đây xin nêu kiến nghị sau: Cuộc vận động này sẽ còn phải thực hiện lâu dài mới đạt được mục tiêu là xây dựng thành công XHHT trên thành phố Hồ Chí Minh. Chúng ta thì cứ mỗi 5 năm sẽ kỷ niệm trọng thể ngày giải phóng đất nước. Nhằm có một đánh giá mang tính khoa học cao, đánh giá cả định tính lẫn định lượng về những thành tựu của cả thành phố, từng quận huyện, từng phường xã trong công cuộc xây dựng XHHT vào các dịp lễ trọng này, Thành ủy nên chăng sớm tổ chức một đề tài nghiên cứu khoa học  mà nhiệm vụ là xây dựng một bộ tiêu chí dùng  để đo đếm được các thành quả của cuộc vận động này, nói một cách ví von là sắm công cụ đo đạc cái cây XHHT tại mỗi địa phương sau mỗi 5 năm đã cao lớn thêm được bao nhiêu, cây nào đạt chuẩn.
             Cuộc vận động khuyến học khuyến tài, xây dựng XHHT đang lớn mạnh không ngừng do đáp ứng được khát vọng lớn lao và chính đáng của đồng bào thành phố. Hạt giống nhỏ nhoi ban đầu đã nhanh chóng  trở thành cây non xanh tươi bám chắc rễ vào mảnh đất lòng người. Đó là yếu tố quyết định cho phép chúng ta tin tưởng là cây XHHT sẽ trở thành cổ thụ cao lớn, ra hoa kết trái góp phần tích cực  thay đổi bộ mặt của thành phố mang tên Bác trong những năm tiếp theo./.
 TS. Hồ Thiệu Hùng
 

[i] Xem trang 19, tập tài liệu Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện CT 11 và Chương trình hành động 27 của Thường vụ Thành ủy diễn ra ngày 14/3/2013.


 

(c) Bản quyền 2014 - Bởi Hội khuyến học HCM
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử trên Internet số 14/GP-BC