HOC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC,
PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

“Học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đây là cuộc vận động tòan Đảng, toàn dân tham gia, nhằm ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận “ không nhỏ cán bộ, đảng viên” và nhân dân ta. Đồng thời xây dựng tư tưởng, đạo đức, tác phong con người Việt Nam phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Là một tổ chức xã hội rộng lớn, hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Hội khuyến học các cấp và hội viên cần hưởng ứng tích cực. Để thực hiện tốt cuộc vận động, trước hết cần nhận thức đúng đắn tư tưởng đạo đức của Bác đó là: “Hồ Chí Minh là bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, nêu tấm gương suốt đời phấn đấu hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người”.
     Trong những năm qua, việc học tập làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đã có những kết quả nhất định. Trong bài này chỉ đè cập đến phạm vi của cán bộ, hội viên Hội khuyến học thành phố Hồ Chí Minh. Các cán bộ, hội viên  khuyến học ở cơ sở, phần lớn tuổi cao sức yếu nhưng luôn gương mẫu tham gia các hoạt động phong trào ở địa phương; các gia đình hội viên tự vươn lên giảm nghèo, các tệ nạn xã hội, chăm lo cho con cháu học hành thành đạt; năm nào cũng tiết kiệm đóng góp một phần thu nhập của gia đình vào các Quỹ Khuyến học, khen thưởng học sinh giỏi, gia đình hiếu học, quà trung thu cho thiếu nhi, ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai, xây dựng trường học ở Trường Sa, làm nhà tình nghĩa, đỡ đầu học sinh gia đình khó khăn vv… . Trong công tác xã hội, nhiều hội viên bớt thời gian công việc của gia đình, hết lòng cho công việc ở khu phố, tổ dân phố, ấp, tổ nhân dân, hoạt động Hội không vụ lợi, luôn thể hiện lòng chính trực chống thói hư tật xấu; gương mẫu thực hiện và vận động nhân dân tích cực học tập suốt đời dưới nhiều nội dung, hình thức; góp phần xóa đói giảm nghèo, làm đường phố sạch đẹp, an ninh an toàn, đoàn kết trong khu dân cư. Những gương tốt ấy là quá trình tự giáo dục, cống hiến, rèn luyện, học – hành bền bỉ trong thực tiễn, đã trở thành bản lĩnh máu thịt, là lẽ sống có trách nhiệm với đời và giờ đây họ vẫn khiêm nhường học hỏi, bao dung trong cuộc sống, làm tròn bổn phận một con người.
      Tuy nhiên nhận thức, sự đồng thuận trong nhân dân chưa thật sự cao và đồng đều, còn một số người nghĩ không đúng đắn về cuộc vận động. Họ cho rằng: Bác Hồ là Thánh, không ai học được, nên chẳng ai học cả. Người ta chỉ nói chứ không làm.
      Một số khác lại cho rằng: học cũng dễ thôi, cứ đọc thuộc các mẩu chuyện về Bác đã in trong sách, diễn thuyết cho chuẩn là xong, vì thế họ chẳng có một hành động có ích cụ thể nào. Họ viện những câu nói của Bác ra để chê trách những người khác đầy ác ý. Cũng còn người nói hay nhưng làm dở; hoặc ngồi đó không tham gia gì ở khu dân cư nhưng lại nhiều điều chê bai tất cả những người đang làm việc. Đó là biểu hiện bệnh rất nặng của thói kiêu ngạo, lười học hỏi, trí tuệ cằn cỗi; công thần, ăn mày quá khứ; là đại diện của tiêu cực gieo rắc tư tưởng “  ghét giầu, thù cán bộ” đang nhen nhóm trong quần chúng. Học tập, làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần: Giáo dục ý thức coi trọng học hành sâu sắc trong các gia đình. Thấy rõ gia đình là tế bào của cộng đồng xã hội. Gia đình là nơi sản sinh, nuôi dưỡng con người. Sự yêu thương đùm bọc, sống vì nhau là cơ sở để trẻ nhỏ nẩy nở lòng nhân ái, người lớn bồi đắp lòng nhân ái là nguồn mạch nuôi dưỡng cảm hứng ham tìm hiểu, học hỏi để phát triển trí tuệ; Sự gương mẫu làm tròn bổn phận của mỗi thành viên sẽ là tác nhân xây dựng và củng cố lòng Dũng cảm của các thành viên trong gia đình. Có thể nói gia đình là trường học đầu tiên và suốt đời của mỗi con người. Gia đình là tổ ấm đảm bảo cho mỗi thành viên được học tập suốt đời. Chỉ có học tập suốt đời mới hoàn thiện nhân cách, năng lực và hiệu quả làm việc và nâng cao chất lượng cuộc sống. Sự học đối với mỗi người cần thiết như cơm ăn, áo mặc hàng ngày. Đó là nhu cầu, là quyền sống của con người và là trách nhiệm của xã hội đối với con người. Do đó tổ chức Hội cần tham mưu cho Cấp ủy Đảng, Chính quyền thực hiện chỉ thị số 11/ CT- TW của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”. Đó là việc đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong nhân dân thông qua các mô hình: “ Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “ Đơn vị học tập”; nâng cao chất lượng của Trung tâm học tập cộng đồng ở cơ sở. Vận động nhân dân hăng hái thực hiện “ cần gì học nấy” như: xóa mù chữ, bổ túc văn hóa, ngoại ngữ, tin học; kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng lao động của công nhân, nông dân, lao động tự do; thông tin thời sự chính sách, pháp luật, về ứng xử cùng chung sống; về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao vv … . Nhằm thực hiện mỗi tổ chức xã hội trong cộng đồng dân cư trở thành nơi học tập của mọi người dân, góp phần tự giáo dục và giáo dục con người. Không để một cá nhân nào không có cơ hội học tập. Cần phát huy vai trò nòng cốt của Hội khuyến học trong việc thúc đẩy và vận động các tổ chức, các lực lượng xã hội cùng phối hợp tham gia, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chủ trì tổ chức và chỉ đạo chặt chẽ của Ủy ban nhân dân các cấp. Gắn việc thực hiện các mô hình học tập với các phong trào khác ở địa phương. Việc học tập và làm theo tư tưởng , đạo đức phong cách Hồ Chí Minh cần được quán triệt chỉ thị số 05/ CT- TW của Bộ Chính trị là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của các tổ chức Đảng và đảng viên, nhưng phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Cần tạo dư luận xã hội tôn vinh những tấm gương người tốt, việc tốt.
      Mọi tổ chức, cá nhân hoạt động có hiệu quả hoàn thành tốt nhiệm vụ là thể hiện sinh động tinh thần học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức và tác phong Hồ Chí Minh.
      Một xã hội có giáo dục, xây dựng trên nền đạo đức, luân lý sẽ là xã hội tốt đẹp bền vững, nhân văn và bền vũng nhất.
 
                                                                                     

Tác giả bài viết: Từ Văn Chiến
 

(c) Bản quyền 2014 - Bởi Hội khuyến học HCM
Giấy phép thiết lập trang tin điện tử trên Internet số 14/GP-BC